Dạy Con Yêu Thương Cha Mẹ

Hầu hết các ông bố, bà mẹ, nhất là các bà mẹ, luôn khẳng định “yêu thương con cái hơn mọi thứ trên đời”. Với họ, đó là một kết luận không cần phải chứng minh.

Thế nhưng, liệu con cái có yêu thương bố mẹ không? Trước câu hỏi này, nhiều người gật đầu hài lòng nhưng không ít người lại ngập ngừng: “Chắc là có, nhưng thật khó hiểu những biểu hiện của bọn trẻ, sao có lúc chúng quá vô tâm, vô tình, chẳng quan tâm gì đến bố mẹ”.

“Mua” tình cảm Ngay từ lúc con mới biết nói, bố mẹ thường “điều tra” con: “Trong nhà mình con yêu ai nhất?”. Phần lớn các đứa trẻ chỉ tay về phía người gần gũi với chúng, cũng là người nuông chiều trẻ nhất.

Trẻ lên ba thường thích gần bố hơn, vì đó là người ít làm phiền nó, không bắt nó ăn, uống sữa, đi ngủ, thay quần áo… như mẹ nó. Nhưng, đến tuổi biết đòi đồ chơi, thì mẹ lại “dễ thương” hơn. Các bà mẹ khó cưỡng lại nước mắt của con, khi con gặp lại mẹ sau một ngày ở nhà trẻ, mẫu giáo.

Trẻ nhỏ rành tất cả các loại đồ chơi, phim… vừa mới phát hành. Chúng còn biết cả những “con đường đồ chơi”, để đưa bố mẹ đến. Trẻ phá nhiều hơn chơi, mau chán, lại đòi mua.

Nhiều ông bố, bà mẹ tặc lưỡi: “Coi như con tìm hiểu, cũng học hỏi chút ít qua đồ chơi”. Chẳng có bố mẹ nào kịp dạy cho con giá trị của món đồ chơi không chỉ ở giá tiền, mà còn ở sự hy sinh, nỗ lực của bố mẹ.

Không ít bố mẹ còn “lợi dụng” đồ chơi để “hối lộ” trẻ, yêu cầu chúng làm những gì mình muốn.

Trẻ “đòi gì được nấy” từ cha mẹ sẽ học được rằng đó là sự trao đổi, có điều kiện. Chúng hiểu, chúng được bố mẹ “mua chuộc” tình cảm hơn là được bố mẹ yêu thương. Con đường “đồ chơi” sẽ tiếp nối bằng con đường “điện thoại, xe máy…”, con cái đòi hỏi là phải được.

Nếu mẹ từ chối, dễ bị con khép vào “tội” không thương con và chúng sẽ có cách làm cho bà ấy đau khổ. Bài học đầu tiên Không thể nghĩ rằng đứa con yêu thương bố mẹ là điều đương nhiên, mà chúng cần phải được bố mẹ dạy cho điều đó. Trước hết, con cái phải nhận được yêu thương từ bố mẹ, chúng mới biết đáp trả.

Nếu trẻ không được bố mẹ lắng nghe, chia sẻ, quan tâm và đáp ứng những nhu cầu hợp lý của chúng, thì chúng không cảm nhận được tình yêu thương từ bố mẹ. “Bố mẹ yêu con trước khi con yêu bố mẹ”.

Không có những đứa trẻ hư hỏng, không biết yêu bố mẹ, mà chỉ có những đứa trẻ không nhận đủ, nhận đúng tình yêu của bố mẹ, để đáp trả. Yêu thương cũng là một lĩnh vực cần được đầu tư một cách khôn ngoan. Nếu bạn yêu thương con cái, dành hết những gì tốt đẹp cho con mà không nhận được tình thương yêu của con đáp lại, còn cảm thấy đau khổ, thì coi như sự đầu tư của bạn bị thua lỗ, do đầu tư chưa đúng phương thức.

Bác sĩ Glenn Doman, người Mỹ, chuyên ngành tâm lý trẻ em, đã chia sẻ với các bậc phụ huynh một yếu tố làm cho tình yêu “sinh sôi nảy nở” giữa cha mẹ – con cái là trách nhiệm.

Ông khẳng định: “Khi bạn có trách nhiệm với ai, bạn sẽ yêu thương người ấy. Có trách nhiệm với chính mình, bạn sẽ yêu quý bản thân. Tương tự, đứa trẻ có trách nhiệm với cha mẹ, sẽ gắn bó và từ đó mới biết yêu thương cha mẹ”.

Ông lý giải, khi một đứa trẻ không được giao một trách nhiệm gì trong nhà, chúng sẽ như người thừa. Nếu coi gia đình là một sân khấu, thì chúng chỉ là khán giả, hoặc đang giữ những vai lặt vặt, chứ chẳng được đóng vai gì… quan trọng.

Dần dần, chúng chẳng thích vở kịch, cũng chẳng thân thiện và chẳng muốn gặp gỡ, giao tiếp với các “diễn viên” chính là bố, mẹ. Chúng mặc kệ gia đình, đi tìm niềm vui riêng.

Ngược lại, trách nhiệm của trẻ đối với cha mẹ, gia đình càng lớn (nhưng không quá sức trẻ) thì yêu thương, gắn bó cũng lớn lên theo. Tất nhiên, khi giao “vai ” cho con, cha mẹ phải huấn luyện con cách “diễn”; nghĩa là khi con nhận nhiệm vụ, thì con phải biết cách thực hiện. Bởi, nếu gây ra lỗi, hoặc làm không được việc, thì con bạn cũng sẽ chán nản.

Ngay cả khi bố mẹ lớn tuổi, về hưu, có khả năng tài chánh đảm bảo cuộc sống, cũng không nên cắt giảm hoặc miễn trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ của con cái. Cứ để con thực hiện nghĩa vụ làm con theo điều kiện của chúng.

Bố mẹ có thể giúp con lúc khó khăn, nhưng không có nghĩa là “con khỏi phải lo cho bố mẹ”. Từ nguyên lý “không trách nhiệm – không gắn bó – không yêu thương”, sẽ dễ hiểu vì sau có những bà mẹ làm hết việc nhà cho con, thương yêu con rất nhiều, nhưng lại không dạy được cho con bài học thương yêu bố mẹ.

Tương tự, những đứa con được bố mẹ nuông chiều thường làm bố mẹ thất vọng vì những thất bại của chúng trong cuộc sống.

Hãy đi đọc lại và suy ngẫm cha mẹ nhé!

 

 

Show Comments

No Responses Yet

Leave a Reply